Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Lịch sử nút Start Windows - Biến đổi không ngừng

Menu Start quen thuộc tới nỗi mà nhiều người dùng nghĩ tới nó trước tiên khi nhớ về Windows và Microsoft. Nó đã tồn tại 20 năm. Ban đầu, nó làm nhiệm vụ giúp Windows dễ sử dụng hơn và nay nó là trung tâm tương tác giữa người dùng và Windows khi thực hiện công việc hàng ngày. Bạn có thể dùng menu Start để chạy ứng dụng, tìm kiếm tài liệu hoặc chỉ đơn giản là tắt máy tính. Nút Start có nhiều tác dụng hơn bạn tưởng.



Start xuất hiện lần đầu trên Windows 95. Nó nhanh chóng trở thành menu cần phải truy cập để tìm kiếm mọi thứ trên máy tính và nó chẳng thay đổi mấy cho tới khi Windows XP ra mắt. Menu Start gắn bó với người dùng Windows tới nỗi mà khi nó biến mất trên Windows 8 người dùng đã rất bối rối. Họ phản ứng mạnh tới nỗi Microsoft phải đảo ngược quyết định, đưa menu Start trở lại trên Windows 10.

Microsoft đã thử nhiều mẫu menu Start khác nhau trong những năm qua nhưng phiên bản trên Windows 10 là sự kết hợp tốt nhất của các ý tưởng hiện đại mà công ty muốn hướng tới và menu cổ điển. Nếu Microsoft không có những thay đổi điên rồ thì menu Start vẫn là biểu tượng, bản sắc của Windows với người dùng trong nhiều năm nữa.

20 năm là một khoảng thời gian dài với bất kỳ phần mềm nào do vậy trong bài viết này chúng ta hãy cùng xem menu Start và rộng hơn là bản thân Windows đã thay đổi như thế nào từ Windows 95 tới nay.

Sự khởi đầu

Windows 95
Windows 95 được trình làng vào năm 1995, thời điểm đó khách hàng đã xếp hàng từ lúc nửa đêm để mua được phiên bản Windows mới sớm nhất có thể. Nó cùng với Windows NT 4 cho doanh nghiệp trở thành những bản Windows đầu tiên có menu Start. Menu Start nhóm và sắp xếp các ứng dụng thành danh sách giúp Windows trở nên dễ sử dụng hơn. Trước khi menu Start xuất hiện, người dùng Windows có thể truy cập các ứng dụng thông qua Program Manager.

Đây chỉ đơn giản là một danh sách các ứng dụng, không được sắp xếp theo từng nhóm. Windows cần một sự đại tu và menu Start chính là những đại tu cần thiết để đưa Windows vào kỷ nguyên tiếp theo của máy tính.


Bên cạnh menu Start, Windows 95 còn cung cấp thêm thanh tác vụ (taskbar). Taskbar cho phép người dùng truy cập nhanh tới các tùy chọn như tăng giảm âm lượng, ngày và giờ cũng như biểu tượng trạng thái kết nối mạng. Tất cả các ứng dụng mà bạn mở trên Windows 95 đều nằm ngay ngắn trên taskbar giúp bạn dễ dàng chuyển đổi, mở lại. Hơn nữa, bạn có thể tìm thấy hầu hết các ứng dụng trong menu Start.

Microsoft vẫn giữ ý tưởng về một danh sách ứng dụng trong menu mới nhưng các ứng dụng đã được sắp xếp hợp lý theo từng loại và bạn còn có thể kéo thả ứng dụng vào vị trí bạn muốn. Menu Start đã trở thành một cách mở ứng dụng mặc định, cực đơn giản trên Windows.

Sự kết hợp của nút Start và menu khiến bạn luôn chú ý và khởi đầu mọi thứ từ góc dưới bên trái màn hình. Ngay cả khi các ứng dụng khác đang được sử dụng, nút Start luôn hiển thị và sẵn sàng cho bạn truy cập các ứng dụng và thư mục khác. Nhờ vậy, người dùng không cần phải sử dụng các câu lệnh phức tạp thông qua Command Prompt thay vào đó menu Start là nơi đầu tiên họ truy cập để tìm kiếm mọi thứ như tài liệu, trợ giúp, cài đặt hoặc đơn giản là tắt máy tính.

Nó khởi đầu một xu hướng kéo dài ít nhất 20 năm trong Windows và giúp người dùng mới làm quen với Windows nhanh hơn. Menu Start cũng là một cách hiệu quả để lưu và gom rất nhiều lối tắt vào cùng một nơi.

Windows 98 - 2000
Nhìn thoáng qua, menu Start trên Windows 98 chẳng khác mấy so với phiên bản đầu tiên. Một tính năng log off mới được thêm vào để hỗ trợ giao diện đa người dùng mới của 98 bên cạnh các hình tượng, các trình bày và những chức năng cơ bản như phiên bản trên Windows 95. Ngoài ra, menu Start trên Windows 98 mở ra kỷ nguyên Internet. Microsoft đã bổ sung thêm một thư mục yêu thích trên menu Start để bổ sung cho gói Internet Explorer với Windows 98. Hầu hết các tính năng liên quan tới Internet đều được thiết kế cho màn hình động với các biểu tượng. Tuy vậy, menu Start trên Windows 98 vẫn đóng một vai trò nhỏ nhưng quan trọng giúp Windows trở nên thân thiện hơn với Internet.

Thanh taskbar đã có những thay đổi lớn. Microsoft trình làng tính năng Quick Launch mới cho phép người dùng Windows 98 ghim những ứng dụng yêu thích của họ. Quick Launch cũng bao gồm một nút "show desktop" giúp người dùng thu nhỏ các ứng dụng đang chạy và trở lại màn hình nhanh chóng ngay cả khi các ứng dụng đang ở chế độ mở toàn màn hình. Bởi màn hình chứa các biểu tượng ứng dụng và người dùng thường lưu tài liệu trên đó nên tính năng trở lại màn hình trở thành một tùy chọn hữu ích bổ sung cho taskbar, desktop và menu Start.


Windows ME là một phiên bản thất bại của Microsoft khi có quá nhiều lỗi và vấn đề. Thậm chí người ta còn đặt biệt danh cho phiên bản hệ điều hành này là "Windows Mistake Edition". Dẫu vậy, menu Start vẫn là một tính năng hữu ích và ổn định. Giao diện menu Start không thay đổi nhiều, thậm chí còn xấu hơn trên Windows 98 do thương hiệu Windows ME được đặt dọc theo sườn menu. Tuy nhiên, đây là lần cuối chúng ta thấy kiểu giao diện này và những nét thiết kế của phiên bản menu Start đầu tiên.

Dù Windows 2000 được thiết kế cho người dùng chuyên nghiệp nhưng menu Start trên nó vẫn giống hệt trên Windows ME. Microsoft đã thực hiện một số thay đổi nhỏ như ghim tính năng Windows Update và lối tắt truy cập thư mục thiết lập chương trình lên trên cùng của menu Start. Nhờ vậy, người dùng có thể truy cập nhanh thư mục thiết lập để gỡ bỏ các ứng dụng hoặc thay đổi những ứng dụng mặc định. Lối tắt truy cập Windows Update sẽ giúp bạn không bỏ lỡ những bản cập nhật bảo mật quan trọng.

Tương tự Windows ME, thanh taskbar trên Windows 2000 chẳng thay đổi mấy so với trên Windows 98. Đây là lần cuối chúng ta thấy giao diện màu xám truyền thống cũng như các thiết lập mặc định cho menu Start.

Trải nghiệm mới

Windows XP - Windows 7
Menu Start trên Windows XP được đại tu rất nhiều về hình ảnh so với phiên bản đầu tiên trên Windows 95. Trông nó hoàn toàn khác. Microsoft đã chọn tông màu xanh cho menu Start của XP. Taskbar cũng có màu xanh và Microsoft bắt đầu tinh chỉnh khay hệ thống để ẩn những biểu tượng ít được sử dụng theo mặc định. Người dùng có thể dễ dàng xem toàn bộ các biểu tượng và thả chúng vào khay hệ thống. Điều này giúp người dùng kiểm soát được khay hệ thống và nhiều nhà phát triển ứng dụng bắt đầu lợi dụng nó.


Bản thân menu Start được chia làm hai, ứng dụng thường xuyên được sử dụng hoặc ứng dụng được ghim nằm bên trái còn các lối tắt truy cập tài liệu, cài đặt, trợ giúp và tìm kiếm nắm bên phải. Trông nó rất quen thuộc nhưng cũng rất khác biệt. Danh sáng ứng dụng truyền thống trên menu Start có thể được truy cập qua nút All Programs và nếu bạn thích menu Start cũ bạn có thể kích hoạt nền cổ điển cho hệ điều hành. Ở thời điểm đó, rất nhiều hãng bên thứ ba đã tham gia sản xuất nền tùy chỉnh cho menu Start và nền tổng thể của hệ điều hành Windows XP.

Những thay đổi và tinh chỉnh của menu Start trên Windows XP được Microsoft chau chuốt thêm trên Windows Vista. Trong khi menu Start vẫn mang dáng dấp cũ thì một số thay đổi cơ bản đã được thực hiện. Microsoft đã loại bỏ nền xanh để chuyển qua một menu trong suốt. Đây là một phần của nền "Aero Glass" mà Microsoft sẽ sử dụng trong tương lai. Nhiều người thích cái nhìn trực quan của menu Start mới nhưng hiệu ứng mờ đôi khi gây mất tập trung và khiến máy tính cũ, giá rẻ bị chậm/giật. Nền trong suốt này được Microsoft sử dụng trên menu Start, cửa sổ ứng dụng, thanh tác vụ và thậm chí là trong thanh sidebar mới chứa các widget động như đồng hồ, dự báo thời tiết.

Menu Start chuyển sang một giao diện tối hơn với những biểu tượng đơn giản trên thanh taskbar cho tính năng show desktop và một giao diện lật 3D mới gom các ứng dụng lại với nhau. Các đường tắt tới tài liệu, control panel hoặc các cài đặt khác không nổi bật lắm trên menu Start của Vista khiến người dùng gặp khó trong việc quan sát và truy cập nhanh những tùy chọn này. Những tùy chọn này được gom thành một danh sách dài toàn ký tự ở phía bên phải trong khi các ứng dụng thường xuyên được sử dụng vẫn được đặt phía bên trái menu Start.

Thay đổi lớn nhất của menu Start trên Vista là được tích hợp khả năng tìm kiếm. Trong Vista, khi cần bạn chỉ cần nhấn phím Windows và gõ những gì muốn tìm kiếm. Tầm quan trọng của phím Windows hoặc logo Windows thấm nhuồn vào bàn phím và chuột của Microsoft. Thậm chí hãng này còn trình làng một mẫu bàn phím mới với nút Windows được đặt vào giữa để người dùng nhanh chóng truy cập menu Start cũng như tìm kiếm. Trên Vista, Microsoft cũng loại bỏ thương hiệu "Start" khỏi menu Start và thay bằng quả cầu với biểu tượng Windows nhằm thúc đẩy thương hiệu Windows đi xa hơn trên Vista.

Tiếp tục xu hướng tinh chỉnh trong những năm qua, Microsoft đã thực hiện một số thay đổi trên menu Start của Windows 7. Nút tắt máy được làm nổi bật hơn tuy vậy các lối tắt truy cập tài liệu, thiết lập vẫn khó nhìn như trên Vista. Microsoft cũng tinh chỉnh tính năng tìm kiếm cho menu Start của Windows 7 với hiệu suất tốt hơn và nhanh hơn khi tìm kiếm tài liệu và thiết lập.

Hầu hết các thay đổi về giao diện của Windows 7 có thể được thấy trên thanh taskbar hay cách các ứng dụng tương tác với nhau. Microsoft đã trình làng tính năng Aero Snap để người dùng Windows 7 đặt các cửa sổ ứng dụng cạnh nhau. Microsoft còn di chuyển nút show desktop từ khu vực Quick Launch sang phía bên phải của thanh tác vụ.

Khởi đầu, kết thúc và khởi đầu

Windows 8 - Windows 10
Microsoft đã quyết định loại bỏ menu Start trên Windows 8. Đây là một sai lầm bởi nó đã khiến nhiều người dùng bối rối. Menu Start quen thuộc đã được thay thế bằng màn hình Start mở rộng toàn màn hình với các ô Live Tiles đầy màu sắc. Cả Windows và menu Start đều được thay đổi cực kỳ nhiều trên Windows 8.

Microsoft đã loại bỏ nút Start quen thuộc vì công ty muốn tập trung vào các ứng dụng và thiết kế toàn màn hình, thân thiện với cảm ứng. Dẫu vậy, rất khó truy cập màn hình Start. Bản thân màn hình Start được thiết kế để trông đơn giản nhưng sử dụng nó vô cùng phức tạp. Phiên bản đầu tiên của màn hình Start được gắn những ứng dụng cài sẵn theo mặc định nhưng người dùng không thể truy cập nhanh tính năng tìm kiếm và tùy chọn tắt máy. Điều này khiến những người dùng Windows lâu năm bị bối rối và những người mới khó làm quen với Windows. Phần lớn người dùng cho rằng đây là một sự thay đổi quá lớn với menu Start từ trước tới nay.


Hầu hết sự thay đổi với menu Start có liên quan tới Live Tiles. Những ô ứng dụng mới được thiết kế để quảng bá loại ứng dụng mới mà các nhà phát triển có thể xây dựng. Các ứng dụng "Metro-style" mới chạy toàn màn hình và chủ yếu được thiết kế thân thiện với các ngón tay, biến Windows 8 trở thành một hệ điều hành cho cả tablet và máy tính để bàn. Các ứng dụng sử dụng Live Tiles nổi bật trên màn hình Start mới nhưng nó khiến người dùng khó tìm màn hình desktop truyền thống, thứ đã trở nên quen thuộc với họ. Màn hình desktop truyền thống được thiết kế như một ứng dụng khác và màn hình Start kiểm soát toàn bộ giao diện.

Do màn hình desktop được coi như một ứng dụng nên thanh taskbar cũng bị ẩn đi theo mặc định. Hầu hết người dùng Windows đều đã quen với việc xem giờ và ngày tháng bằng cách nhìn xuống góc dưới bên phải màn hình nhưng trên Windows 8 chúng biến mất và để xem được ngày giờ bạn cần di chuột vào bốn góc màn hình. Đó là một trải nghiệm khó khăn và hầu hết người dùng Windows 8 đều muốn menu Start trở lại. Một số đã quen với việc thiếu vắng menu Start nhưng nhiều người đã tải ứng dụng của bên thứ ba đưa menu Start trở lại. Chỉ vài tháng sau khi Windows 8 ra mắt, 1,5 triệu người đã tải về ứng dụng thay thế menu Start. Đây là dấu hiệu cho thấy Microsoft còn nhiều việc phải làm để người dùng cảm thấy hài lòng với màn hình Start.

Đối mặt với những phản hồi tiêu cực của người dùng với Windows 8, Microsoft đã buộc phải giải quyết một số vấn đề bằng bản cập nhật Windows 8.1. Màn hình Start vẫn tồn tại nhưng Microsoft đã thêm tùy chọn tắt máy và tìm kiếm. Nút Start quen thuộc cũng trở lại ở phía dưới bên trái màn hình. Dù Microsoft đã thêm một mũi tên nhỏ chỉ dẫn người dùng cuộn xuống để truy cập danh sách toàn bộ ứng dụng nhưng màn hình Start vẫn không phải là một lựa chọn phổ biến với hầu hết người dùng Windows.

Nó vẫn mang lại cảm giác như màn hình desktop bị dấu bên dưới giao diện thân thiện với cảm ứng mới và nhiều người dùng vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm màn hình desktop.

Windows 10 thực sự được thiết kế để giữ những khía cạnh tốt của Windows 8 nhưng cũng có sự trở lại của một số tính năng quen thuộc trên Windows 7. Microsoft đã lắng nghe phản hồi từ phía người dùng nhưng thay vì mang menu Start của Windows 7 trở lại, gã khổng lồ phần mềm đã kết hợp menu cũ với ô ứng dụng Live Tiles mới. Với Live Tiles, bạn có một không gian đầy màu sắc để ghim các ứng dụng yêu thích ở phía bên phải menu Start và ở bên trái có lối tắt để truy cập tùy chọn tắt máy, thiết lập, toàn bộ ứng dụng và danh sách các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất.

Chức năng tìm kiếm của menu Start đã được chuyển xuống thanh taskbar nhưng bạn vẫn có thể gõ để tìm kiếm trong menu Start của Windows 10. Trợ lý ảo Cortana được đặt trên thanh taskbar bên cạnh menu Start. Ngoài ra, Windows 10 còn có một tính năng có tên Task View giúp bạn xem nhanh những ứng dụng đã mở và màn hình desktop ảo. Tất cả những thay đổi này hướng tới người dùng máy tính để bàn và laptop. Nhờ vậy, mọi thứ trở nên quen thuộc và dễ sử dụng hơn rất nhiều.

Nếu bạn đang dùng Windows 7 và nâng cấp thẳng lên Windows 10 bạn sẽ không phải chịu đựng sự khó chịu của màn hình Start trên Windows 8. Microsoft đã cố gắng thúc đẩy giao diện thân thiện với cảm ứng trên Windows 8 nhưng hãng này đã phải mau chóng quay trở lại với sự quen thuộc của desktop.

Về tổng thể, giao diện của Windows 10 là sự kết hợp của màu đen và màu trắng trên hầu hết các khu vực. Các ứng dụng cài sẵn sử dụng thiết kế này nhiều nhất nhưng menu Start và taskbar hòa trộn nền đen với những nét trong suốt. Windows 10 đã được phát hành 6 tháng và người dùng Windows đang hạnh phúc với sự trở lại của menu Start với thiết kế và các tính năng mới.

Menu Start trở lại như một sự báo thù và sẽ còn tồn tại rất lâu nữa.
Theo Genk